Học sinh đạt học bổng 80% VinUni và anh đã không còn buồn
Chuẩn bị hồ sơ đại học giống như ghép nối những mảnh rời rạc để tạo thành một bức tranh có ý nghĩa. Cuộc sống diễn ra ngẫu nhiên, dẫn đến các kết quả khác nhau. Nhưng khi xâu chuỗi những trải nghiệm đó lại, những kết quả ngẫu nhiên dần biến mất và đưa ta đến được bức tranh tổng thể trong tương lai của mình. Đây chính những cảm nhận chân thành nhất anh đã nhận ra khi khi cùng Minh Châu trải qua quá trình làm hồ sơ vào VinUni.
Trong khoảng thời gian cuối năm ngoái, Châu là một trong những bạn mong muốn anh giúp đỡ để nộp hồ sơ vào VinUni. Bạn ấy biết tới anh thông qua lời giới thiệu của một bạn khác, làm anh vui vì mình làm đủ tốt để được các bạn học sinh khác tin tưởng giới thiệu.Châu gặp khó khăn trong việc triển khai ý tưởng của bài luận và làm nó thống nhất với cả bộ hồ sơ của mình. Khi đọc được phần chia sẻ khó khăn này, anh biết chắc chắn là Châu cũng đã có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị cho bộ hồ sơ của mình.
Lúc đó anh cũng phân vân khá là nhiều bởi đang là trong giai đoạn nước rút cho các bạn nộp hồ sơ đi Mỹ. Nhưng với tinh thân ham việc và cứ nhận làm đã rồi tính sau, được truyền từ bố mẹ, anh vẫn đồng ý để giúp Châu. Từ lúc nhận lời, có lẽ lúc đó chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến hạn nộp hồ sơ xét tuyển sớm của VinUni.
Nửa đầu của quá trình làm việc, anh với Châu thực ra không dành quá nhiều thời gian cho bài luận. Thay vào đó, bọn anh ngồi nói chuyện liền tù tì về thi cử, ngoại khoá, cuộc sống, mục tiêu. Thực chất, lúc đó anh phải tập trung lắng nghe thật kỹ để có thể nắm bắt được ý tưởng viết luận cho Châu. Cái khó của một bài luận không nằm ở việc nghĩ ra ý tưởng, mà ở cách tiếp cận nó từ góc độ nào, kết nối các chi tiết ra sao, và dẫn dắt câu chuyện đến mục tiêu tương lai mà không tạo cảm giác gượng ép.
Ngành học Châu lựa chọn là Truyền thông, và em ấy chắc chắn muốn lồng ghép những HĐNK vào bài luận. Một trong những hoạt động nổi bật nhất ĐÓ là hỗ trợ các em nhỏ bị điếc bẩm sinh tại một trung tâm dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở Nam Định. Trong buổi đầu tiên, Châu đã chia sẻ với anh mong muốn viết về hoạt động này nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Ban đầu, em ấy định miêu tả toàn bộ quá trình cùng CLB tổ chức các sự kiện cho các em nhỏ, nhưng cách triển khai vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Châu đã đọc được bài chia sẻ trước đó của Nhi, một học sinh khác của anh, người đã đạt học bổng 80% năm ngoái. Nhi cũng lựa chọn viết về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện dự án, từ việc giải quyết xung đột với các thành viên đến đảm bảo tiến độ hoạt động. Ban đầu, Châu cũng muốn đi theo hướng đó, nhưng sau khi đọc bản draft đầu tiên, anh cảm thấy chưa thực sự ổn.
Trong buổi meeting thứ hai, anh khuyên Châu tập trung nhiều hơn vào khía cạnh nhân đạo của dự án. Thay vì xoay quanh nội bộ CLB, bản draft thứ hai của em ấy đã hướng đến những nhân vật chính của dự án – các em nhỏ bị điếc bẩm sinh.
Bản draft thứ hai tập trung vào lý do Châu tham gia dự án, từ việc chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ đến nhận ra sự thiếu đầu tư vào cơ sở vật chất của trung tâm bảo trợ. Những điều đó đã thôi thúc Châu và CLB hành động, mong muốn tạo ra sự thay đổi và giúp các em vượt lên nghịch cảnh. Dù ý tưởng này rõ ràng đặc biệt và sâu sắc hơn so với bản đầu, nhưng lại quá dài so với giới hạn 400 từ của bài luận. Lại một lần nữa anh vs Châu phải họp để chỉnh sửa lại ý tưởng.
Bản draft thứ ba là tinh gọn lại từ hai bản trước. Nếu bản đầu chọn sai góc độ để khắc họa hình ảnh cá nhân, thì bản thứ hai lại dàn trải quá nhiều chi tiết mà chưa tập trung vào một điểm nổi bật. Quả thực, để viết một bài luận vừa chặt chẽ, ý nghĩa, lại gói gọn trong số chữ hạn chế là một thử thách. Không phải câu chuyện nào cũng phù hợp để kể, và không phải chi tiết nào cũng đáng đưa vào. Để nắm bắt và xử lý khéo léo điều này đòi hỏi nhiều lần thử nghiệm và cả kinh nghiệm của người viết.
Vậy nên, nếu các em mới viết 1-2 lần mà chưa ưng ý, đừng vội bỏ cuộc. Hãy kiên thử nghiệm thêm 3-4 lần nữa để tìm ra phiên bản tốt nhất. Trong bản draft thứ ba, anh và Châu quyết định tập trung vào câu chuyện của một em nhỏ từ chối mọi sự quan tâm cũng như những nỗ lực giúp em hòa nhập với bạn bè xung quanh. Cách tiếp cận này, theo anh, sẽ giúp bài luận trở nên ấn tượng hơn, vì việc khắc họa một cá nhân cụ thể luôn tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn so với việc chỉ kể chung chung về cả một nhóm người.
Bài luận thể hiện sự cam kết của Châu trên nhiều khía cạnh: 1) cam kết với lý tưởng cá nhân, 2) cam kết với dự án của CLB, và 3) cam kết không để bất kỳ ai bị bỏ lại chỉ vì tính cách hay số phận của họ. Khi tất cả đều muốn bỏ cuộc với Hùng, chỉ có Châu kiên trì kéo em ấy trở lại với đám đông. Ở một lớp nghĩa rộng hơn, Hùng đại diện cho những người bị xã hội ngó lơ vì những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ: số phận, hoàn cảnh, hay khiếm khuyết cá nhân.
Cách Châu kéo Hùng trở lại với bạn bè cùng trang lứa mang nhiều lớp ý nghĩa. Thay vì ép buộc Hùng thay đổi để hòa nhập, Châu lựa chọn học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với em. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn hơn về cách xã hội đối xử với những người có hoàn cảnh đặc biệt:
Chúng ta thường giúp đỡ họ bằng cách trao cho họ những gì chúng ta nghĩ là họ cần, chứ không phải những gì họ thực sự mong muốn. Nhưng liệu chúng ta đã bao giờ đặt mình vào vị trí của họ, nhìn thế giới qua lăng kính của họ để hiểu những khó khăn họ trải qua và những ước mơ họ ấp ủ?
Có hai phiên bản mà anh cùng Châu viết cho đoạn thứ hai, không biết mấy đứa thích phiên bản nào hơn
Đoạn thứ ba truyền tải nhiều ẩn ý mà anh và Châu muốn nhấn mạnh. Thay vì tiếp cận Hùng bằng kẹo hay lời nói, Châu chọn cách giao tiếp duy nhất mà em có thể hiểu: ngôn ngữ ký hiệu. Những khoảnh khắc nhầm lẫn khi sử dụng ngôn ngữ này được lồng ghép tinh tế, khiến đoạn văn hiện lên như một thước phim sống động. Dần dần, Hùng bắt đầu buông bỏ sự phản kháng, vốn bắt nguồn từ nỗi tự ti và hoàn cảnh của em. Cuối cùng, Châu trở thành điều mà Hùng luôn tìm kiếm: sự thấu hiểu và một tiếng nói thực sự.
Đoạn cuối là phần suy ngẫm cá nhân của Châu về toàn bộ hành trình và mục tiêu tương lai. Đây là phần mà anh và Châu đã dành rất nhiều thời gian trao đổi để tìm ra hướng đi phù hợp - một cách kết bài không chỉ phản chiếu lại câu chuyện, mà còn mở rộng ra tương lai, cũng như bối cảnh rộng lớn hơn của xã hội và đất nước.